0914098668

Rắc rối chuyện chia di sản thừa kế


Làm nghề Luật, phải thông thạo 4 lĩnh vực dịch vụ, đó là: Tham gia tố tụng (“cãi nhau” với các “đối thủ” tại phiên tòa); Tư vấn pháp luật (trả lời các câu hỏi và tình huống pháp lý, hướng dẫn khách hàng thực hiện hiệu quả quy định pháp luật); Đại diện ngoài tố tụng (nhận ủy quyền các vụ việc) và Các dịch vụ pháp lý khác.

     Trong “Các dịch vụ pháp lý khác”, chuyện nhận lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất  cho khách hàng (Dân) là việc làm thường xuyên nhưng không dễ dàng.

   Tháng 4/2024, tôi nhận lời giúp người bạn lập hồ sơ xin cấp GCNQSD đất ở thị trấn X, huyện Đ, TP Hà Nội. Nguồn gốc thửa đất rất rõ ràng, đã được UBND huyện Đ. cấp GCNQSD đất cho bố người bạn từ năm 2001. Bố bạn mất năm 2016, mẹ bạn qua đời hồi tháng 2/2024. Các cụ đều về cõi Người Hiền ở tuổi “Thượng Thượng thọ”.

   Mặc dù 2 thửa đất của bố mẹ người người bạn đã được cấp GCNQD từ năm 2001, nhưng có 1 thửa bị sai diện tích, chỉ 41m2 nhưng bị cấp nhầm sang đất hàng xóm những 427m2. Theo quy định, việc cơ quan Nhà nước cấp sai diện tích thực tế cho người dân, khi họ yêu cầu cấp đổi lại thì cán bộ địa chính phải có trách nhiệm giúp họ. Nhưng, khi đến trình bày với cấn bộ địa chính, cậu ấy bảo: “Đây là lỗi của người trước, thời còn là xã S. Cháu không liên quan”. Theo hướng dẫn của cán bộ địa chính, tôi phô tô GCNQSD đất và căn cước công dân của những người được hưởng thừa kế, gửi lại cho cậu ấy xem. Sau nhiều lần a lô, đi lại, cậu ấy hướng dẫn việc đo đạc lại diện tích đất để chuẩn lại hồ sơ. Đợi cả tháng mới xong kết qua, đến đoạn hoàn thiện thủ tục để chia thừa kế mới loằng ngoằng.

   Theo tư duy của tôi, chỉ cần có giấy chứng tử của bố mẹ (người đề lại di sản thừa kế) và giấy khai sinh của các đồng thừa kế, căn cước công dân, biên bản họp gia đình (tất cả các đồng thừa kế) để thống nhất việc cho tặng, từ chối nhận thừa kế của các đồng thừa kế, thế là xong. Nhưng không. Cán bộ địa chính lúc thì bảo phải làm thủ tục hủy GCNQSD đất năm 2001 trước đã vì sai diện tích. Ok. Nhưng hủy rồi thì làm thủ tục cấp lại GCN mới như thế nào? Vì người có tên trong GCNQSD đất năm 2001 là bố bạn tôi, đã qua đời. Tôi rất muốn hỏi cụ thể hướng giải quyết, nhưng cán bộ địa chính thị trấn lúc nào cũng bận với bao nhiêu việc quan trọng khác. Vậy là phải kiên trì chờ. Qua sông thì phải lụy đò mà lị.

   Để tìm hiểu thêm thủ tục, tôi tìm đến Văn phòng Công chứng ngay cổng Ủy ban nhân dân huyện Đ. Một cháu còn trẻ, ít hơn tuổi con gái tôi, cử nhân luật, đang là nhân viên của Văn phòng công chứng, hướng dẫn tôi làm các loại giấy tờ. Nghe cháu hướng dẫn mà luật sư tôi cũng ù cả tai. Nào là phải giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn của các cụ sinh ra bố, mẹ bạn tôi, nào là giấy chứng tử của đời ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. “Hồ sơ này phải làm nhiều thứ giấy tờ lắm chú ạ. Chú không cung cấp đủ, cháu không nhận được đâu ạ”. Rồi. Ok.

   Tôi bắt đầu ngập trong mớ ma trận. Ông Nội, bà Nội bạn tôi đều sinh vào những năm 1890 và lập gia đình trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ. May thay, ông cán bộ tư pháp xã nọ “châm chước” cứ cấp đại 4 cái “Giấy chứng tử” bản sao (không có sổ gốc, bản gốc) theo “niềm tin nghề nghiệp”, bởi cậu ấy cũng từng “làm đại” nhiều trường hợp như thế. Tôi cùng bạn tôi lọ mọ ra tận nghĩa trang của 2 dòng họ, để quay, chụp hình ảnh phần mộ, bia mộ của những người đã quá cố kia. Nghĩa trang của người nghèo, phần mộ của người nghèo chẳng khác gì cuộc đời của họ một thời đắm chìm trong đói rách, nô lệ. Xong. Đến đoạn, nhân viên công chứng trẻ lại yêu cầu “chú phải làm đơn xin xác nhận ông bà ngoại bạn chú là bố đẻ ra mẹ bạn của chú; ông bà nội của chú là người đẻ ra bố bạn của chú. Họ đều đã qua đời trước khi bố mẹ bạn chú qua đời”. Tôi bắt đầu thấy oải, nhưng không thể bỏ cuộc. Tôi hỏi cậu cán bộ địa chính về cái sự rắm rối này, anh ta bảo: “Đúng đấy. Anh cứ làm theo hướng dẫn của bên Văn phòng công chứng, xong hồ sơ thì em nhận”. Tôi hỏi em công chức Tư pháp thị trấn, em ấy bảo: “Anh cứ ra Văn phòng công chứng họ làm cho chứ xã chúng em không ký những văn bản phức tạp như thế đâu”.

   Khi tôi hoàn tất Đơn xác nhận bố mẹ bạn tôi là con ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của bạn tôi với một tập tài liệu trước mặt, khấp khởi mừng, mang đến thị trấn xác nhận. Quả thứ nhất bị từ chối vì… sai địa bàn quản lý nhân sự xác nhận. Quả thứ 2, khi 2 đơn xác nhận này đã có đại diện dòng họ và trưởng xóm ký, xác nhận, nhưng công chức Tư pháp không dám ký vì… vướng quy định công văn số 621/HTQTCT-HT ngày 07/6/2019 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp). Nghĩa là: “Em không biết chắc chắn thì em không ký”; “Nếu làm đúng quy đình thì ông trưởng thôn và trưởng tộc phải lên xã, mang theo căn cước, cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận”. Oa chà...

   Tôi mà còn thấy hoa mắt, ù tai, thì thử hỏi, bà con ai mà biết lối nào ra khi rơi vào “trận đồ bát quái” này? Ấy thế mà, vẫn không ít trường hợp “cò” dịch vụ sổ đỏ làm nhanh hơn cả luật sư. Nhanh đến mức, cấp nhầm thửa, sai diện tích cho dân mà vẫn lọt. Khi người sử dụng phát hiện ra thì tiền đã bỏ ra khó đòi lại được. Nhưng lại lâm vào một cuộc hành trình khác. Khởi kiện ra Tòa án. Ra Tòa án thì nhớ câu: “Vô phúc đáo tụng đình”.

   Tôi vẫn đang tiếp tục trải nghiệm các lĩnh vực mà Công ty Luật TNHH Hướng Thiện của chúng tôi phải làm, sự trải nghiệm là cơ hội để nâng cao hiến thức chuyên ngành, chuyên sâu, để phục vụ Nhân Dân khi cần đến chúng tôi, có thể là 1 cuộc điện thoại hỏi về “đường đi nước bước”….

Ngoại thành Hà Nội, trưa ngày 04/10/2024

Tin cùng loại

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN HỖ TRỢ TỐT NHẤT!
54v2

Đối tác của chúng tôi

dien thoai
zalo